Phòng thủ trước tia laser
Trong gần 2 thập niên, Phòng Thí nghiệm nghiên cứu lục quân Mỹ nỗ lực phát triển các vật liệu nhằm bảo vệ xe cơ giới trên mặt đất và binh sĩ trước tia laser.
Các tia laser ngày nay có thể làm binh lính mất phương hướng hoặc thậm chí làm tổn thương họ, gây tình trạng mù vĩnh viễn. Chúng cũng có thể dễ dàng phá hủy các hệ thống camera quốc phòng chủ chốt. Chẳng hạn trong bối cảnh xe bọc thép di chuyển trong thành phố, do tầm nhìn bị giới hạn, binh sĩ trong xe phải dựa vào ống kính camera của phương tiện để quan sát đường sá xung quanh. Điều gì sẽ xảy ra nếu đối phương bắn tia laser vào các camera này?
Đài Fox News dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Andy Mott cho hay những mối đe dọa về tia laser đang gia tăng từng ngày. "Laser với các bề ngang xung động và bước sóng khác nhau đang được phát triển mỗi ngày. Chúng tôi muốn tìm cách bảo vệ các cảm biến điện tử trong tương lai cũng như hệ thống quan sát hiện nay", theo chuyên gia Mott. Để bảo vệ mắt người lẫn "mắt" thiết bị điện tử, lục quân đang có cách tiếp cận mới: tạo ra vật liệu cho phép ánh sáng thường xuyên qua nhưng chặn được ánh sáng laser. Trong hơn 7 năm qua, phòng thí nghiệm hợp tác với nhiều tổ chức khác thuộc Bộ Tư lệnh vật liệu lục quân Mỹ (AMC), trong đó có Trung tâm công trình và phát triển nghiên cứu xe tăng cơ giới lục quân (TARDEC), cũng như Phòng Thí nghiệm tầm nhìn đêm, chuyên trị các mục tiêu trên chiến trường bất chấp ngày và đêm. Kết quả hết sức khả quan, từ các vật liệu mới được nghiên cứu thành công, lục quân Mỹ có thể sở hữu kính chống tia laser, xe tăng chắn laser…
Thiết bị phá bom mìn
Trong khi lục quân công bố kết quả về lĩnh vực phòng thủ trước tia laser, Phòng Thí nghiệm nghiên cứu hải quân (NRL) cũng hé lộ một công nghệ đầy hứa hẹn, cho phép tạo ra các thiết bị phá bom mìn tự tạo trên chiến trường. Các thiết bị nổ tự tạo (IED) luôn là mối đe dọa thường trực cho binh sĩ lẫn người dân trong vùng chiến sự. Do vậy, ưu tiên hàng đầu là làm sao phát hiện chúng trước khi bị kích nổ. Chó săn bom và các thiết bị dò chất nổ là hai phương pháp được áp dụng hiện tại để dò tìm dấu vết chất nổ, nhưng các chuyên gia của Phòng Thí nghiệm nghiên cứu hải quân Mỹ đang triển khai một cách tiếp cận khác. Đó là sử dụng công nghệ nano, có chi phí thấp và dễ thực hiện hơn. Bên cạnh việc khó phát hiện, các dấu vết hóa chất của IED lại có thể dễ dàng bị đánh lạc hướng bởi các hợp chất thường thấy như mùi khói xe hoặc nước hoa. Cảm biến Sin-VAPOR mới của hải quân được đánh giá có tiềm năng ứng dụng không chỉ ở trận địa mà còn giúp bảo vệ các khu vực đối mặt nguy cơ tấn công cao, từ phi trường đến sân vận động.
Sin-VAPOR có độ nhạy ấn tượng. Tiến sĩ Christopher Field của NRL giải thích: "Cứ cho là sợi tóc người có đường kính 100 micron. Nếu bạn cắt đôi sợi tóc và nhìn vào mặt cắt, chúng tôi có thể nhét vừa 1 triệu dây nano vào đó". NRL cho hay công nghệ mới khác biệt với những công nghệ hiện có vì nó áp dụng kiến thức 3D để tối đa hóa bề mặt và tăng mạnh khả năng phát hiện. Mục tiêu cuối cùng là chế tạo thiết bị cảm biến có kích thước cỡ chiếc điện thoại nhỏ, cần ít năng lượng để hoạt động. Công nghệ như Sin-VAPOR đang được đặt nhiều hy vọng sẽ nâng cấp khả năng phát hiện IED trên chiến trường, chẳng hạn như cảnh báo binh sĩ về các vụ tấn công bằng chất độc thần kinh sarin như ở Syria mới đây.
Post a Comment